Chống thấm mùa mưa

( 31-03-2017 - 09:33 AM ) - Lượt xem: 1284

Sự biến đổi phức tạp của khí hậu, nhất là khí hậu vùng nhiệt đới như Việt Nam những năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến các công trình. Dù nhà ở hiện nay tuy có nhiều điều kiện kỹ thuật hiện đại nhưng vẫn phải đứng trước nguy cơ bị thấm dột… 

THIẾT KẾ HỢP LÝ, HẠN CHẾ TIỂU CẢNH

Những kiểu nhà biệt thự Pháp xây trước đây ở Việt Nam không chỉ thấy mát mẻ mà còn rất ít khi thấm dột. Bởi ngay từ thiết kế ngôi nhà đã được làm theo tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ví dụ đơn giản như một bộ mái ngói vươn rộng có, máng thu nước và dẫn nước ra bên ngoài nhà sẽ giúp nhà ít bị thấm dột hơn là kiểu làm “sê nô âm” vào trong như một số ngôi nhà mới sau này. Hoặc hệ thống tường nhà thuở trước được xây gạch khá dày (thường từ 30cm đến 50cm) cộng với hành lang bao quanh và dùng cửa sổ trong kính ngoài chớp giúp công trình cách nhiệt và thông gió tốt hơn, đồng thời cũng giảm thiểu ngấm ngang qua tường so với kiểu nhà “ta” xây tường 10cm mỏng manh hiện nay. Dĩ nhiên nhà ở đô thị hiện nay vì vấn đề “tấc đất tấc vàng” nên không thể làm thoải mái như nhà xưa. Khả năng thấm dột nằm ở chuyện thiết kế và bố trí mặt bằng, ví dụ nếu các khu vệ sinh tầng lầu mà thẳng hàng nhau thì giảm bớt đường ống chồng chéo vòng vèo, nếu lỡ có thấm thì xử lý theo trục đứng thuận lợi hơn. Trong quá trình thi công, rất cần giám sát chặt chẽ các công đoạn bê tông, xây tường, lợp mái, liên kết tấm bao che… để đảm bảo không có rò rỉ, xử lý từ đầu, tránh lấp liếm bằng các lớp “son phấn”. Hoặc cần tránh tạo ra các tiểu cảnh, chi tiết có dùng nước (như non bộ, hồ cá…) trong nội thất khi không có biện pháp chống thấm và bảo trì hiệu quả.

KHAI THÁC TỐT PHẦN MÁI
Tôi để ý không ít người khi mua vật liệu chống thấm hay vật liệu xây dựng nói chung thường chỉ để ý tính năng và giá thành, nhưng ít quan tâm đến cách làm ở vị trí nào trong công trình, làm vào thời điểm nào… Điều này dẫn đến lãng phí mà hiệu quả chống thấm không như mong muốn. Ví dụ, nhà có mái bằng thì những người có kinh nghiệm chú ý không để một sân thượng trống trải phơi ra nắng mưa khiến cho mái luôn co ngót nứt nẻ, họ thà chịu tốn kém thêm chút nữa bằng cách bố trí chức năng sử dụng cho sân thượng mái bằng đi kèm với biện pháp cách nhiệt và chống thấm luôn. Nếu làm sân phơi thì nên thêm mái nhẹ ( như tấm poly hay mái tôn vòm) ở bên trên phòng khi mưa và tránh để quần áo tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời, rồi làm chỗ để tập thể dục hay trồng cây cảnh có giàn cây leo kết hợp chắn nắng… Mái trơ trọi sẽ giảm thiểu, hằng ngày thường xuyên đi lên sinh hoạt trên đó sẽ phát hiện và ngăn chặn thấm, dột kịp thời.
Gần đây tôi thấy thông tin có nhiều nhà chuyên môn đề nghị giải pháp “xanh hóa mái bằng” như làm vườn treo, thu nước mưa để tái sử dụng, tôi cho là rất đáng tham khảo, vì làm vậy là một dạng chống thấm – chống nóng chủ động. Trong tình hình khan hiếm khoảng xanh như hiện nay, vườn treo trên mái là giải pháp hướng đến môi trường xanh và sạch hơn, đồng thời cũng chống thấm ngay từ đầu cho kết cấu mái, giảm nứt, từ đó sẽ giảm luôn việc bị thấm dột.

ĐỪNG MẠNH AI NẤY LÀM
Đô thị phát triển không đồng bộ, nhà xây trước nhà xây sau, cao thấp khác nhau, tô trát ốp lát chắng ai giống ai, nhà áp sát tường hay “mượn” luôn tường hàng xóm… đã làm xuất hiện biết bao nhiêu khe hở, độ lệch trên mái và lồi lõm trên tường cho nước ngấm vào. Chưa kể nhà này làm hầm nhà kia làm trệt, nền nhà này cao nền nhà kia thấp, nhà ép cọc nhà thì khoan nhồi… sẽ khiến phần chống thấm ngược từ dưới lên chắc chắn không thể làm đồng bộ được. Vẫn biết rằng nhà phố là “đặc sản” của đô thị Việt Nam và không dễ thay đổi, vì vậy về mặt quản lý phải mau chóng có các quy định và giải pháp mang tính đồng bộ kỹ thuật (chưa nói đến mỹ thuật) để giảm bớt lãng phí, thấm dột, hư hại công trình, chứ kiểu mạnh ai nấy làm hiện nay chắc chắn sẽ không hiệu quả.
Tôi vẫn nhớ trước kia khi học kiến trúc có phần cấu tạo “mũ che đỉnh tường” hay “chống thấm các vị trí tiếp giáp” được dạy rất kỹ, nhưng sau này ra làm có ai làm theo được đâu. Nguyên nhân bởi nhà bên không cùng cao độ hoặc cấu trúc với nhà mình, nhà mái ngói nhà mái tôn nhà mái bằng… đủ kiểu, hoặc là họ không chịu hợp tác, cho nên phần tiếp giáp giữa 2 nhà luôn rất “nhức đầu” khi phải xử lý chống thấm, chỉ một khe hở nhỏ thôi cũng làm thành “đường dẫn” để nước ngấm vào, lan truyền và gây ra thấm dột.