10 cách làm nhà cho thoáng

( 06-04-2017 - 09:06 AM ) - Lượt xem: 2310

Việt Nam là xứ sở nhiệt đới, vì thế nên ở trong ngôi nhà thoáng luôn là mong ước của tất cả mọi người. Một ngôi nhà thoáng mát không chỉ đem lại cảm giác thoải mái về mặt tâm lý, mà còn là yếu tố tích cực cho sức khỏe. Làm nhà thoáng là điều cần thiết và cũng là tiêu chí của thiết kế, để đem đến sự thích dụng, tiện nghi cho những người sống và làm việc trong đó. Không gian sống có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tâm lý người sử dụng. Không gian sống tốt sẽ đem tới chất lượng sống tốt, khiến cho người ta mạnh khỏe, vui vẻ; và ngược lại không gian kém chất lượng, bức bí, ngột ngạt sẽ khiến người sống trong đó dễ đau ốm, bệnh tật, tinh thần mệt mỏi, khó chịu.

Cây xanh, mặt nước có tác dụng ngăn bức xạ nhiệt, tạo sự thông thoáng và môi trường trong lành

 

“Thoáng” ở đây hiểu theo hai nghĩa: đó là sự thông thoáng tự nhiên, thoáng khí, không gian trong lành và môi trường không khí sạch. Và “thoáng” cũng có nghĩa thoáng về thị giác, tạo nên những khoảng không gian rộng, tầm nhìn mở. Hai yếu tố “thoáng” này tưởng như riêng biệt nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ và ảnh hưởng đến nhau.
Đương nhiên nhà rộng, phòng rộng thì thoáng; nhưng đó là điều kiện mà không phải lúc nào, không phải ai cũng có được. Vì vậy, những giải pháp làm cho nhà thoáng luôn là điều cần thiết. Những giải pháp này luôn đa dạng và có nhiều cách ứng dụng khác nhau trong mỗi hoàn cảnh.

1. Đón hướng gió mát
Những ngôi nhà truyền thống xưa thường được quay theo hướng nam, đông nam để đón gió mát mùa hè (gió đông nam) và ngăn gió lạnh mùa đông (gió đông bắc). Trong điều kiện có thể lựa chọn hướng (với những biệt thự, nhà vườn, nhà có nhiều hướng tiếp cận) thì lựa chọn hướng gió mát vẫn nên là điểm tiên quyết khi lựa chọn bố cục tổng thể cho ngôi nhà. Còn với những trường hợp nhà phố mà không có sự lựa chọn hướng nhà, thì khi thiết kế hệ thống cửa, vẫn cần ưu tiên cửa ở hướng gió mát để có nhiều cơ hội đón gió tạo sự thông thoáng cho nhà.

2. Nhà cao, cửa rộng
Đó là quan niệm, cũng là sự đúc kết của ông cha trong kinh nghiệm làm nhà. Nhà cao, cửa rộng sẽ khiến cho không khí lưu chuyển nhiều và dễ dàng hơn; tạo nên sự thoáng đãng theo cả hai nghĩa. Tuy nhiên, đó là ngôi nhà kiến trúc dân gian truyền thống. Với nhà hiện đại thì còn nhiều yếu tố khác và giải pháp khác. Cụ thể hơn, nếu làm trần cao thì phải có cửa thông gió trên cao để không khí nóng không bị “đọng” phía trên; cửa rộng cũng tốt, nhưng phải có tính toán chiều thông gió hợp lý.

3. Kết nối không gian
Đó là một thủ pháp làm thoáng không gian. Sự kết nối, hay vay mượn không gian sẽ giảm sự bí bức trong tầm nhìn, tăng cường thông gió. Rất nhiều cách thức và không gian có thể kết nối với nhau, như kết nối trong với ngoài, trên và dưới; đó có thể là sự kết nối từ nhà với vườn hay những khoảng hiên, khoảng đệm; kết nối giữa phòng nọ với phòng kia. Ở ngôi nhà truyền thống, không gian được kết nối các “gian” nhà với nhau; và kết nối ra sân, ra vườn. Trong ngôi nhà phố hiện đại, dễ thấy sự kết hợp giữa phòng khách - sinh hoạt chung và phòng ăn rất được ưa chuộng bởi tính hiệu quả của nó. 

4. Chắn nắng, chống nóng
Chắn nắng, chống nóng luôn là vấn đề không bao giờ cũ của kiến trúc nhiệt đới, dù là nhà to hay nhỏ, xưa hay nay. Những hệ thống chắn nắng hợp lý sẽ làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời vào công trình, mà vẫn đảm bảo cho gió lưu thông, làm cho công trình thoáng mát. Ngôi nhà dân gian xưa hay có tấm mành, tấm giại chắn nắng ở phía trước. Những công trình thời thuộc Pháp có đặc trưng với hệ cửa chớp bên ngoài giúp thông thoáng khí và rất linh hoạt khi sử dụng. Về sau, các công trình hiện đại có những hệ lam, tường hoa... chắn nắng. Những kết cấu bao che này còn góp phần tạo nên giá trị thẩm mỹ công trình và có thể tạo nên những giá trị riêng, đặc sắc. 

5. Ngăn cách ước lệ
Có những không gian đòi hỏi sự tách biệt để định hình rõ trong quá trình sử dụng, hay cần kín đáo ở mức độ nào đó, song không nhất thiết phải kín hoàn toàn. Trong trường hợp đó có thể dùng giải pháp ngăn cách ước lệ như sử dụng mành, bình phong, vách rỗng, hay thậm chí là cây xanh. Những cấu kiện này vừa có tác dụng ngăn cách, phân định không gian, vừa đảm bảo thông gió và cũng là những yếu tố trang trí trong nội thất.

Kết nối giữa trong và ngoài, bố trí nội thất hợp lý làm không gian thoáng đãng

Giếng trời, một giải pháp phổ biến trong nhà phố để thông gió theo phương đứng 

6. Sử dụng “vật liệu thoáng”
Để mở rộng không gian, mở rộng tầm nhìn, tránh rối mắt có thể sử dụng những “vật liệu thoáng” như cầu thang bậc rỗng (bằng cốn thép kết hợp bậc gỗ), các cấu tạo lan can thanh mảnh, dây cáp căng, và đặc biệt là vật liệu kính. Kính là một vật liệu hiện đại có ưu điểm đặc biệt là sự trong suốt, cho phép ánh sáng đi qua và không cản tầm nhìn. Kính ngoài việc có mặt ở những ô cửa còn có thể ứng dụng làm vách ngăn, làm lan can cầu thang - ban công, làm mái...

7. Thông tầng, giếng trời, sân trong
Giải pháp này đã xuất hiện từ xưa, có thể thấy trong nhiều ngôi nhà ở phố cổ Hà Nội hay Hội An. Thiết kế thông tầng, giếng trời hay tổ chức sân trong cũng vẫn là những giải pháp kiến trúc - kỹ thuật cơ bản trong nhà phố hiện đại. Nhà phố - đa phần là bị hạn chế mặt thoáng; vì thế nên vấn đề thông gió theo phương ngang bị hạn chế. Thông tầng, giếng trời góp phần tăng cường thông gió theo chiều đứng. Đó cũng là sự kết nối không gian,  là giải pháp chiếu sáng tự nhiên và cũng là những điểm nhấn thú vị trong không gian nội thất.

8. Bố trí nội thất hợp lý
Đây là giải pháp nội thất khi không gian kiến trúc và các kết cấu bao che đã định hình. Trong mỗi không gian, hay phòng chức năng, cần bố trí nội thất hợp lý, và không nên tham quá nhiều đồ. Điều đó làm cho không gian thoáng hơn và con người sống trong đó cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu. Nếu như một căn phòng có quá nhiều vật dụng (giường, tủ, bàn, ghế...) hay các vật trang trí nội thất khác sẽ gây sự rườm rà khó chịu và bất tiện trong sinh hoạt. 

9. Màu sắc và chiếu sáng
Cũng góp phần tạo hiệu quả thoáng trong  không gian. Màu trắng và màu sáng nói chung gợi cảm giác nhẹ nhàng, thoáng, bay bổng. Những màu tối gợi cảm giác chật chội, bí bách. Ngoài chiếu sáng tự nhiên, thì chiếu sáng nhân tạo cũng góp phần quan trọng. Ánh sáng trắng kết hợp ánh sáng vàng tạo nên hiệu quả tốt. Còn các loại ánh sáng màu khác (xanh, đỏ, tím) nếu không phải là không gian giải trí thì không nên sử dụng, vì nó dễ gây kích thích và ức chế thần kinh, làm sai màu đối với thị giác và giảm giá trị thẩm mỹ với những không gian không cần sắc màu ấy.

10. Cây xanh, mặt nước
Cây xanh, mặt nước luôn tạo nên cảnh quan đẹp ở không gian đô thị và đối với cả nội - ngoại thất của ngôi nhà. Cây xanh làm mềm không gian và tạo nên sự biến đổi, luân chuyển thời gian do quá trình sinh trưởng và chu kỳ sống (ra mầm, rụng lá, nở hoa, kết quả). Quá trình quang hợp của cây xanh tạo nên khí oxy và giảm khí cacbonic làm cho môi trường sống trong lành hơn. Cây xanh còn có tác dụng ngăn ồn, ngăn bụi, giảm bức xạ nhiệt vào công trình, làm công trình mát và thoáng hơn. Mặt nước giúp giảm nhiệt trong môi trường và thanh lọc không khí.

Khoảng thông tầng làm không gian phòng khách rộng thoáng và tiện nghi hơn

Cửa chớp, một cấu tạo kinh điển của kết cấu bao che, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Cầu thang với cốn thép và những bậc rỗng, không sát tường tạo sự thông thoáng như một giếng trời. Hệ thống lan can kính và dây cáp làm thoáng về mặt thị giác 

 Kết nối không gian phòng khách, phòng ăn - bếp là một xu hướng được ưa chuộng trong ngôi nhà hiện đại